Chương 19: Trong lùm cây

Theo yêu cầu của thám tử Poirot, bác sĩ Lord ra ga đón ông. Poirot đi đôi giầy đánh véc-ni bóng lộn bước xuống sân ga, trông y hệt một người dân thủ đô London chính cống.

Bác sĩ Lord chăm chú quan sát nét mặt nhà thám tử lừng danh, nhưng ông này không để lộ một cảm xúc gì hết.

Bác sĩ Lord nói:

- Tôi xin trả lời câu ông hỏi. 1) Mary đến London ngày 10 tháng Bảy. 2) Tôi không có bà quản gia nào hết... Có hai đứa con gái ngu ngốc đang quản lý công việc trong nhà cho tôi. Hắn là do bà Slattery, ngày trước làm quản gia cho ông Ran - some, vị bác sĩ tiền nhiệm của tôi cử chúng đến. Nếu ông muốn, sáng nay tôi sẽ dẫn ông đến gặp bà ta. Tôi đã báo trước cho bà ta biết là sáng nay ông đến đây rồi.

- Tốt lắm - Poirot nói - Ta làm công việc ấy trước.

- Sau đấy, ông bảo ông muốn đến Hunterbury. Tôi có thể cùng với ông đến đó. Tôi không hiểu lần trước đến thị trấn Maidensdord tại sao ông không ghé vào lâu đài Hunterbury. Lẽ ra trước khi tìm hiểu vụ án, ông phải tham quan địa điểm xảy ra sư việc chứ.

Nhà thám tử nghiêng đầu hỏi:

- Để làm gì?

- Thông thường mọi người đều làm như thế, đúng vậy không? - Bác sĩ Lord tỏ ra rất ngạc nhiên trước câu hỏi của nhà thám tử.

Hercule Poirot vặn lại:

- Nghề thám tử không phải là nghề có thể học trong sach giáo khoa. Mà phải sử dụng trí thông minh của bản thân.

- Nếu đến đó từ trước, ông đã phát hiện được trong lâu đài những điểm chuẩn bổ ích.

Poirot thở dài:

- Anh bạn trẻ đọc quá nhiều truyện hình sự đấy... Canh sát cũng đã theo đúng những phương pháp được miêu tả trong các tiểu thuyết hình sự. Tôi cam đoan họ đã lục soát đủ mọi ngóc ngách trong lâu đài cũng như trong các công trình phụ xung quanh đấy.

- Để tìm các chứng cứ buộc tội Elinor Carlisle...

- Anh bạn trẻ thân mến, những nhân viên cảnh sát mẫn cán đó không phải ma quỷ. Cô Elinor bị họ bắt vì họ tìm thấy khá đủ chứng cứ khẳng định cô ấy chính là thủ phạm. Tại sao tôi phải đi theo vết xe của những người ăn lương của Cục Cảnh sát?

- Nhưng bây giờ ông vẫn phải đến lâu đài Hunterbury đấy thôi? - Bác sĩ Lord cãi.

- Bây giờ mới là lúc tôi thấy cần đến, bởi tôi đã biết rõ tôi cần tìm thứ gì ở đây. Tôi thích dùng óc trước khi dùng mắt.

- Vậy là ông tin rằng sẽ tìm thấy thứ ông cần biết tại đây?

- Tôi hy vọng là như thế.

- Một chứng cứ chứng minh cô Elinor vô tội?

- Khoan! Tôi chưa hề nói cô Elinor vô tội đâu đấy!

Viên bác sĩ trẻ sửng sốt:

- Vậy ông vẫn cho rằng cô ấy có tội?

Nhà thám tử nghiêm giọng đáp:

- Trước khi nghe tôi trả lời câu hỏi đó, xin anh bạn trẻ chịu khó kiên nhẫn chờ đợi một chút.

II

Nhà thám tử ăn bữa trưa với người bác sĩ trong một phòng ăn sáng sủa, trông ra sân.

Bác sĩ Lord hỏi:

- Bà già Slattery thỏa mãn trí tò mò của ông rồi chứ?

- Đúng thế.

- Ông định tìm gì ở bà ta?

- Tâm sự về quá khứ. Một số vụ án có gốc rễ từ rất xa trong quá khứ. Vụ án này cũng vậy.

Bác sĩ Lord bực dọc nói:

- Nghe ông nói tôi chẳng hiểu tí gì hết.

Poirot cười nói:

- Con cá này hoàn toàn tươi.

Lorot sốt ruột:

- Sao lại nói chuyện cá? Tôi câu được nó từ sáng sớm đấy, trước bữa điểm tâm. Nhưng thưa ông Porot, ông có chịu cho tôi biết kết quả ông đã thu được không? Tại sao ông vẫn không chịu cho tôi biết?

Nhà thám tử lắc đầu:

- Bởi vì ngay chính bản thân tôi, tôi cũng chưa biết gì hết. Tôi chỉ mới khẳng định được một điều đó là không ai có lợi gì trong việc giết cô Mary... trừ Elinor Carlisle.

- Ông kết luận vội vã quá đấy. Ông nên nhớ rằng cô Mary kia từng ở nước ngoài.

- Có, có. Tôi đã thu lượm được thông tin đó.

- Ông đã kịp sang Đức rồi sao?

- Không, tôi không sang nhưng tôi có mạng lưới tình báo bên đó.

- Ông dám tin vào những thông tin của người khác?

- Tất nhiên. Tại sao tôi phải chạy hết nơi này đến nơi khác, làm những việc mà đã có sẵn những người chuyên nghiệp làm cho tôi, chỉ cần trả họ một khoản tiền nhỏ? Anh bạn thân mến, anh hãy tin lời tôi, tôi có rất nhiều cộng tác viên và họ đều rất được việc... một trong số đó làm nghề trộm cắp.

- Ông dùng thằng cha đó vào việc gì?

- Việc gần đây nhất anh ta làm cho tôi là lục soát toàn bộ căn hộ của ông Roddy Welman.

- Ông định tìm cái gì ở đó?

- Tôi muốn biết ông ta nói dối tôi đến mức nào.

- Nghĩa là Roddy đã nói dối ông?

- Đúng thế, anh bạn trẻ!

- Và ai nữa?

- Tất cả mọi người. Chị y tá O’Brien thì vì tính chị ta thích phóng đại mọi thứ. Bà y tá Hopkins thì có dụng ý hẳn hoi. Bà quản gia Bishop thì vì tính căm ghét cá nhân. Anh thì...

Không còn giữ lịch sự nữa, viên bác sĩ nổi nóng:

- Lạy chúa tôi! Ông lại định bảo cả tôi cũng nói dối nữa sao?

- Hiện nay thì chưa. - Poirot dịu giọng.

Ngửa người ra lưng ghế bành, chàng bác sĩ nói:

- Quả là ông mắc bệnh đa nghi đến mức không thể chữa nổi.

Rồi anh ta nói thêm:

- Thế nào, ông chuẩn bị xong chưa? Ta đến lâu đai Hunterbury được rồi chứ? Chiều nay tôi còn phải đấn thăm một số bệnh nhân, rồi lại phải ghé qua bệnh viện nữa.

- Xe ô-tô của anh nhãn gì, anh bạn? - Poirot hỏi.

- Xe Ford 10... màu xanh lá cây, loại rất thông dụng ở đây.

- Vậy mà anh bạn bảo hôm ấy anh bạn không đi xe của mình? Anh bạn nhầm chứ gì?

- Không phải. Tôi hoàn toàn tin rằng tôi không nhầm. Hôm ấy tôi đi Withenbury và về rất muộn. Tôi đang ăn tạm trên đường thì tôi được người ta gọi điện thoại đến, báo là đến lâu đài Hunterbury ngay, thế là tôi lao đến đó luôn.

Poirot nhẹ nhàng nói:

- Lời anh bạn vừa rồi là một thông tin rất quý đấy.

Bác sĩ Peter Lord nói:

- Vậy là có một kẻ đã đến lâu đài Hunterbury hôm đó, ngoài Elinor, Mary và bà y tá Hopkins...

- Chi tiết này rất đáng chú ý. Nào, ta đến đó tiến hành cuộc điều tra. Chúng ta cần xem, kẻ nào đã lọt vào lâu đài mà không ai biết?

Giữa con đường lát đá ngoài hoa viên của lâu đài, có một lối đi nhỏ dẫn vào một lùm cây. Hai người bèn đi theo lối này. Đến một chỗ ngoặt, bác sĩ Lord níu cánh tay nhà thám tử, trỏ một cửa sổ nói:

- Kia là cửa sổ phòng bếp, nơi cô Elinor chuẩn bị những khoanh bánh mì kẹp thức ăn.

Thám tử Poirot lẩm bẩm:

- Nấp ở chỗ này, có thể nhìn thấy cô Elinor trong bếp. Nếu tôi không nhớ sai, thì lúc đó cửa sổ này để mở.

- Đúng đấy. Hôm đó trời rất nóng, tôi nhớ.

Poirot mơ màng nhận xét:

- Nếu kẻ nào muốn theo dõi trong bếp, hắn có thể nấp ở vị trí này là thuận tiện nhất.

Hai người sục sạo trong lùm cây. Bác sĩ Lord kêu lên:

- Sau lùm cây, có một chỗ cỏ bị giẫm nát. Tuy bây giờ cỏ đã thẳng lên, nhưng vẫn còn lại vết chân người.

Porot bèn đến nơi.

- Chọn chỗ này đúng là rất khôn ngoan. Nấp ở đây kín đáo, và có một lùm cây hơi thưa cành rất thuận tiện để quan sát trong bếp. Hắn núp ở đây để làm gì? Hút thuốc chăng?

Hai người cúi xuống, vạch lá cành tìm tòi xem có gì lạ?

Nhà thám tử lầu bầu câu gì đó, chàng bác sĩ bèn đến gần:

- Cái gì thế?

- Một bao diêm. Bao rỗng. Bị giẫm nát, ướt song và gần mục.

Poirot thận trọng nhặt bao diêm lên, lấy trong túi ra một tờ giấy, đặt bao diêm lên đó.

- Chà! - Bác sĩ kêu lên - Không phải bao diêm Anh mà là bao diêm Đức.

- Mà cô Mary lại mới ở Đức về! - Poirot reo lên.

- Lần này thì ta thấy được một vật chứng rồi, ông thừa nhận không, ông Poirot?

- Có thể...

- Trong vùng này còn ai có diêm nước ngoài nữa đâu?

- Tôi biết có người... tôi biết. - Poirot nói.

Rồi ông nhìn qua chỗ cành cây thưa trong lùm cây về phía cửa sổ phòng bếp nói:

- Vấn đề không đơn giản như ta tưởng. Một khó khăn rất lớn đặt ra cho chúng ta đấy. Anh bạn không thấy à?

- Khó khăn gì? Tôi chưa thấy.

- Nếu anh bạn chưa thấy thì lại đây... chúng ta đi theo lối khác.

Họ đi và đến tận lâu đài. Rồi họ theo một hành lang dài, nối gian phòng tiền sảnh với bếp. Hai người vào đây.

Trong bếp có tủ kính đựng bát đĩa, ly tách như thường thấy. Trên một ngăn, có đặt chiếc bếp ga nhỏ, hai cái xoong và những hộp đựng trà, cà phê...

Ngoài ra còn có bàn, giá để bát đĩa ướt. Bàn kê sát cửa sổ.

Bác sĩ Lord nói:

- Cô Elinor đã chuẩn bị những khoanh bánh mì kẹp thức ăn trên cái bàn này. Người ta đã tìm thấy một mẩu xé của tấm nhãn dán ngoài lọ moóc-phin ở khe gỗ lát sàn nhà, sau bàn bếp.

- Các nhân viên cảnh sát là những người tìm tòi tuyệt vời. Họ không bỏ sót thứ gì hết.

Bác sĩ Lord cãi:

- Chưa có một bằng chứng nào để kết luận cô Elinor đã đụng đến lọ thuốc, ông nên biết là như thế! Có một kẻ đã nấp ngoài lùm cây kia theo dõi cô ấy... Lúc cô ấy ra trạm bảo vệ, hắn đã lọt vào đây, mở lọ moóc-phin, lấy ra vài viên, nghiền nát rồi rắc lên bánh mì. Nhưng hắn không chú ý đến một mẩu giấy nhãn rơi xuống đất. Hắn vội vã thoát ra ngoài, lên ô-tô phóng đi.

Poirot thở dài:

- Vậy mà anh dám bảo anh chưa nhìn thấy gì hết! Ra một người thông minh vẫn có những lúc ngu ngốc!

Bác sĩ Lord tức giận nói:

- Thì chính ông lúc trước còn chưa tin là có một kẻ nấp ngoài bụi cây nhìn qua cửa sổ theo dõi phòng bếp này kia mà!

- Anh bạn nhầm rồi. Tôi tin chứ!

- Bây giờ ta chỉ còn việc tìm ra kẻ đó là ai?

- Theo tôi biết, ta chẳng cần tìm đâu xa.

- Ông đã biết hắn là ai?

- Tôi đã nghĩ đến một người.

- Nghĩa là các điệp viên của ông bên Đức đã cung cấp cho ông đầy đủ thông tin?

Poirot vỗ trán nói:

- Tất cả những thứ đó trong đầu tôi đây này... Bây giờ ta vào nhà, ngó qua một cái.

III

Cuối cùng hai người đã đứng trong phòng khách nhỏ, nơi Mary chết. Tòa nhà, như thể mang trong nó một không khí chết chóc, tiềm tàng những cảm giác về nỗi bất hạnh.

Bác sĩ Lord mở toang một cửa sổ, nói giọng như run rẩy:

- Gian phòng này tựa như nhà mồ...

- Giá như những bức tường kia biết nói! - Nhà thám tử Poirot thầm thì - Toàn bộ sự việc khởi đầu từ đây, căn phòng này... Mary Gerrard bị đầu độc tại đây, tại chỗ này.

- Lúc có người phát hiện ra cô ta, cô ta ngồi trong cái ghế xa lông cạnh cửa sổ kia.

- Cô gái xinh đẹp, mơ mộng và lãng mạn ấy... chẳng lẽ lại là một con người thâm hiểm? Đó là một bông hoa, đúng hơn... là một nụ hoa hé nở...

- Dù cô ta nhan sắc siêu phàm đến mấy thì vẫn có kẻ muốn cô ta chết.

- Tôi đang tự hỏi... - Poirot nói.

- Hỏi sao?

Nhà thám tử lắc đầu:

- Bây giờ nói ra cho anh bạn nghe, e còn quá sớm. Chúng ta vừa mới thăm thú toàn bộ lâu đài, chúng ta đã thấy tất cả những gì có thể nhìn thấy. Bây giờ tôi với anh ra trạm bảo vệ.

Tại đây mọi thứ cũng ngăm nắp: các phòng đều đầy bụi, nhưng không còn các vật dụng cá nhân. Hai người đứng lại đây trong vài phút. Lúc ra ngoài trời đầy ánh nắng, Poirot chạm tay vào những chiếc lá của cây hoa hồng leo. Những bông hoa màu hồng tỏa hương thơm thoang thoảng.

Nhà thám tử lẩm bẩm:

- Anh bạn biết tên giống hoa này không? Đấy là Zephirine Droughin.

- Thế thì đã sao? - Peter Lord bực tức nói.

- Lúc tôi vào nhà tù gặp Elinor Carlisle, cô ấy nói với tôi về những khóm hoa hồng. Lúc ấy tôi mới nhìn thấy, không phải ánh sáng ban ngày, mà là ánh đèn của một đoàn tàu sắp ra khỏi đường hầm. Chưa phải là ánh sáng hẳn hoi, mà mới là sự hứa hẹn ánh sáng.

- Elinor nói với ông những gì? - Viên bác sĩ trẻ tuổi hỏi, giọng khàn đặc lại.

- Cô ấy kể với tôi về những kỷ niệm thời thơ ấu, khi cô ấy và Roddy chơi đùa. Họ cãi nhau vì mỗi người thích một loại hoa hồng. Roddy thích hồng trắng, biểu trưng của vương tộc York... lạnh lùng và nghiệt ngã, trong khi cô Elinor lại thích hồng đỏ, biểu trưng của vương tộc Lancaster, chứa đựng mùi hương thơm ngát, sắc màu, tình yêu và đằm thắm. Đấy là sự khác nhau, là mối xung khắc giữa Elinor và Roddy Welman.

- Điều đó chẳng cắt nghĩa được thứ gì hết!

- Sao lại không? Nó cắt nghĩa: Elinor kiêu hãnh và đa cảm lại yêu say đắm một gã lạnh lùng, khô khan, không có khả năng yêu, là Roddy.

- Tôi chưa hiểu.

- Tôi lại hiểu rất rõ... Tôi đã hiểu cả hai người. Thôi, ta quay lại lùm cây.

Họ lặng lẽ đi. Bác sĩ Lord có vẻ lúng túng và cáu kỉnh. Lúc đến chỗ nấp của kẻ vô danh kia. Poirot đứng im lặng một lúc. Lord chăm chú nhìn ông.

Đột nhiên nhà thám tử buông một tiếng thở dài.

- “Ra quá đơn giản! Rõ ràng là suy đoán của anh sai. Anh cho rằng một người nào đó, quen biết Mary bên Đức đã sang đây để thủ tiêu cô ta. Nhưng anh bạn nhìn đây! Giả sử thằng cha nấp chỗ này, quan sát ô cửa sổ, thấy Elinor trong bếp đang chuẩn bị thức ăn... Nhưng làm sao hắn biết những chiếc bánh đó sẽ được đưa ra mời Mary Gerrard? Chỉ có một người biết trước điều đó: Elinor Carlisle! Thậm chí cả Mary lẫn bà y tá Hopkins đều chưa biết chuyện Elinor sẽ mời họ ăn.

Ta thử đứng vào vị trí ‘tên gian’. Hắn nấp đây, nhìn thấy Elinor đang chuẩn bị thức ăn. Hắn tất phải cho rằng cô ta sẽ ăn những thức ăn đó, chứ không thể là người ăn sẽ là ai khác”.