Chương 10: Ngày sinh nhật

Một đêm nữa lại về, đem theo gió lạnh như cắt da cắt thịt vào lòng Hà Nội, thoáng những hạt mưa lặng lẽ rơi.

Đêm nay là Tết Nguyên Tiêu, đường phố không vì mưa mà ít người. Tôi nhìn dòng người qua khung cửa sổ tầng ba, nhìn những đèn lồng mang hơi ấm của gia đình, nhìn một đêm Hà Nội sáng bừng trong tiết trời xuân. Ánh sáng ấy không làm người ta chói mắt, cũng không khiến ai buồn lòng. Đó là thứ ánh sáng của tình người còn vương vất nơi mảnh đất phồn hoa đô hội này.

Tôi lại nhớ về gia đình tôi, nhớ đến bố mẹ tôi, chị gái tôi, và trong tim sao mất đi bóng hình của Thanh được?

Tôi còn nhớ những ngày còn nhỏ, khi mảnh đất Mỹ Đức còn nghèo khó, tôi chờ đợi cái ngày rằm tháng giêng biết bao nhiêu. Nhà tôi không được xếp vào hạng khá giả gì, bố mẹ tôi đều nhiều tuổi, việc lao động cũng gặp nhiều khó khăn. Khi ấy, các anh, chị con của bố cũng còn thiếu thốn.

Sau mấy ngày tết thì trong nhà không còn gì để ăn cả, ngay cả khoai sắn cũng hết. Nếu trước đó tôi và chị chỉ mong đến ngày 30 Tết, được mua quần áo mới, được ăn bánh chưng, ăn thịt, thì sau mấy ngày đó, chúng tôi mong sao cho ngày 15 mau mau đến.

Nhưng rồi ngày ấy đến, tôi phát hiện mẹ tôi mắc bệnh tim. Căn bệnh hành hạ mẹ suốt bao nhiêu năm trời, đến cuối cùng ra đi cũng trong đau đớn.

“Đã có bao giờ mày quan tâm và chăm sóc mẹ mày chưa? Ngày nào cũng để mẹ bận tâm, đôi ba bữa lại khiến mẹ tức giận. Rồi đến khi biết mẹ khổ cực như thế lại không chia sẻ buồn vui cùng mẹ, để mẹ luôn muộn phiền.” – Tôi tự trách mắng bản thân.

Con người luôn là vậy, những thứ xung quanh, bên cạnh thường thấy rất tầm thường nên không biết trân trọng lấy nó. Để rồi đến khi mất đi mới thấu được điều mình đã làm sai.

Tôi nhớ Thanh, nhớ bóng hình cô ấy treo đèn lồng trong đêm Tết Nguyên Tiêu, lại nhớ những lời Thanh kể cho tôi nghe.

“Anh Hiên, ngày này mỗi năm mẹ em thường treo đèn trước cửa nhà. Mẹ nói với em ánh sáng ấy chính là tình thương mẹ dành cho em.” – Thanh khóc.

Giọt nước mắt của Thanh rơi xuống gò má hơi gầy của cô ấy, đọng lại nơi bờ môi đang mím chặt. Đôi mắt ấy buồn, thẳm sâu trong đôi con ngươi như bị mây mù bao phủ, như một chú mèo con yếu đuối trong cơn bão giông không tìm thấy nơi nào trú ngụ. Thanh lại kể cho tôi nghe câu chuyện về mẹ mình.

Ngày 24 tháng 9 năm 1998, nắng vàng.

“Bà có phải Đặng Thị Mùi không?” - Một người đàn ông hỏi bà ngoại Thanh.

“Đúng vậy! Có chuyện gì sao?”

“Chúng tôi phát hiện xác con gái của bà – cô Mai Thị Liên gần một cây hoè ở huyện Chương Mỹ, phiền bà cùng chúng tôi đến đó để xác nhận lại một lần nữa.”

Câu nói ấy như làm cho lòng Thanh điên loạn, cô ấy từ trong nhà chạy ra, hét lớn:

“Đó không phải mẹ tôi, các ông đi đi!”

“Thanh, cháu đừng như vậy.” – Bà Thanh nghẹn ngào.

Trước một cây hoè to, Thanh nhìn thấy xác mẹ mình nằm trên nền đất bụi. Trên người bà mặc bộ quần áo mà ngày ấy ra đi. Thanh đứng yên lặng tại chỗ, không lại gần. Người đàn ông đưa giấy chứng minh thư nhân dân cho bà của Thanh, quả thực đúng là mẹ cô ấy. Một lúc lâu sau, Thanh từ từ bước tới cạnh mẹ mình, trước ngực mẹ cô ấy dính đầy máu do trúng hai phát súng.

Sau đó cảnh sát lập hồ sơ để điều tra vụ án, nhưng không có bất cứ manh mối gì cả.

Bên ngoài cửa sổ, trời vẫn mưa…

***

Ngày 23 tháng 2 năm 2016.

Khi tôi tỉnh giấc là hơn bốn giờ sáng, trời vẫn tối. Tôi bật chiếc đèn bàn lên, ánh sáng ấy trong đêm mang một nét tịch liêu.

Cuốn nhật ký của tôi đã viết được gần nửa rồi, mấy trang đầu nét chữ có vẻ hơi run run nhưng đến bây giờ trở nên vô cùng dứt khoát. Và tôi phát hiện ra tự khi nào thì nó đã trở thành bằng chứng chứng minh cho tội ác của tôi. Nếu mà cảnh sát tìm được cuốn nhật ký này thì rất vui đó nhỉ? Bốn cái chết bí ẩn, trong đó còn có một án mạng do những cảnh sát cấp cao điều tra - Nguyễn Văn Phong.

Nhưng ai có thể phát hiện ra đây? Tôi đâu phải một con người bất cẩn.

Tôi cười, cười như đắc ý, mà cũng như điên dại. Cứ cho là cuốn nhật ký này được viết để khiêu khích cảnh sát đi!

Gần bảy giờ sáng, trời hửng nắng. Cái nắng ấm mùa xuân len lỏi vào lòng Hà Nội, mang theo cơn gió xuân nhẹ nhàng làm những cành lá khẽ lay động. Mầm non xanh hơn, tươi mới hơn.

Tôi lái chiếc xe ô tô đen đến sở cảnh sát, hôm nay có vẻ tôi đến muộn hơn mọi ngày. Khi tôi bước vào phòng làm việc thì mọi người đã có mặt đầy đủ.

“Hình như hơi trễ.” – Tôi cười gượng.

“Là bọn em đến sớm hơn thôi.” – Hùng lên tiếng.

Họ ngồi xung quanh một chiếc bàn tròn nhỏ, dáng người ai nấy đều cao nên tôi không nhìn thấy những thứ đặt trên bàn. Bỗng dưng Khánh chạy lại kéo tay tôi:

“Lại đây đi!” - Cậu ấy cười vui vẻ.

Căn phòng tự nhiên mất điện, chỉ còn lại ánh nến vàng trên chiếc bánh sinh nhật.

“Ngày hôm nay ta cùng hợp hoan nơi đây.

Mọi người bên nhau ta hát mừng sinh nhật.

Một hai ba ta cùng thổi tắt nến.

Happy birthday, happy birthday to you…”

“Anh Hiên, thổi nến đi!” – Quang nói với tôi.

Tôi cười có chút gượng gạo. Mọi người đều nhớ tới sinh nhật tôi, trong khi đó chính tôi lại quên mất. Thì ra tình đồng đội là như vậy.

Sau khi tôi thổi nến thì căn phòng trở lại với thứ ánh sáng kia làm tôi hơi chói mắt.

“Cảm ơn mọi người.” – Tôi cười.

“Hiên, sinh nhật vui vẻ!” – Anh Mạnh chúc tôi, nụ cười trên môi anh luôn làm cho lòng người khác ấm áp hơn.

Tôi đặt tay lên vai anh:

“Cảm ơn!”

Đã lâu rồi tôi không được tận hưởng cảm giác ấm áp như vậy. Hôm nay tôi thực sự vui vẻ. Đối với một kẻ luôn vùi mình trong bóng tối như tôi, chỉ cần có một người nhớ tới ngày sinh nhật của mình, tôi cũng thấy hạnh phúc.

Cuộc đời con người không chỉ có tình yêu. Xung quanh chúng ta còn có bao nhiêu thứ tình cảm tốt đẹp khác. Tình mẫu tử, tình bạn, tình đồng đội,… Tất cả những thứ tình cảm tốt đẹp ấy sẽ mang lại cho bạn niềm vui, niềm tin và hạnh phúc trong cuộc sống.

Nhưng với tôi hiện giờ hình như đã muộn mất rồi. Chính bàn tay tôi đã huỷ đi niềm tin và tình cảm mà mọi người dành cho tôi. Từ khi chọn bước đi trong bóng đêm, tôi đã lường trước được sự tối tăm và lạnh lẽo của nó. Tôi đã nghĩ sẽ không một ai nhìn tôi với con mắt như trước kia nữa, tôi cũng nghĩ mình sẽ không bao giờ hối hận. Nhưng khoảnh khắc này là gì đây? Nếu không phải là hối hận thì thứ cảm xúc gì khiến cho con người ta thấy ân hận, day dứt về con đường mình đã chọn, về những việc mình đã làm?

Có lẽ tôi là kẻ buồn cười nhất thế gian, hiện tại họ đâu có biết tôi là kẻ giết người, tất nhiên họ vẫn coi tôi là bạn, là đồng nghiệp. Đến một ngày họ biết được tất cả, còn có thể cười nói vui vẻ với tôi như vậy không? Không! Không thể nào!

Bảy giờ ba mươi phút sáng, chúng tôi bắt đầu làm việc. Sau khi vụ án trước đó giải quyết xong, năm người còn lại của đội chúng tôi tiếp nhận vụ án này và cùng điều tra.

“Chiều ngày hôm qua, tôi cùng tổ pháp chứng đến hiện trường thứ nhất của vụ án Phạm Hữu Niên, tức tiệm ăn An An để tìm thêm manh mối. Chúng tôi phát hiện căn nhà vẫn bốc lên mùi hôi thối nồng nặc. Sau khi tìm hiểu và xác định, tổ pháp chứng đã vào bếp của tiện ăn này, sau khi đục bệ bếp đun, phát hiện một xác chết. Bệ bếp đun có một lỗ hổng nhỏ, chính chỗ đó phát ra mùi hôi thối chứ không phải nạn nhân Phạm Hữu Niên. Điều này lý giải được sự nghi ngờ của bác sĩ pháp y Phùng Khánh Dương về vụ án này.” – Anh Mạnh nói.

Đúng vậy, bác sĩ Dương từng nói:

“Kết quả của phòng pháp chứng đã thuyết phục tôi về vấn đề xác chết ngày hôm đó không bốc mùi bởi nạn nhân mới chết được ba tiếng. Nhưng tiệm ăn có mùi hôi thối nồng nặc, tôi nghi ngờ…” – Ông ấy chỉ nói lửng.

Việc này coi như đã có đáp án, nhưng hung thủ thực sự là ai? Điều này còn quá gian nan với chúng tôi.

Tôi nhìn tài liệu trong tay:

“Thi thể được phát hiện là một bé gái khoảng mười tuổi, đã chết trước khi thi thể được phát hiện khoảng sáu đến bảy ngày, tức là thời gian tử vong vào ngày 14 hoặc 15 tháng 2 năm 2016. Nạn nhân bị đâm vào đùi phải hai nhát, nhát dao chí mạng ở cổ. Do xác chết đã bắt đầu phân huỷ, trên mặt và người đầy vết bầm tím, không có giấy tờ tuỳ thân nên không thể xác định được danh tính.”

Nhưng vụ án chưa hẳn đã đi vào bế tắc!

Tôi tắt đèn trong phòng họp, điều khiển máy chiếu.

“Chúng tôi đã đến bệnh viện da liễu để điều tra những bệnh nhân mắc Herpes. Người mắc Herpes khá nhiều, nhưng được điều trị bằng Trimethoprim chỉ có hai người.”

Trên màn hình máy chiếu hiện lên hai khuôn mặt, nhìn không rõ nam hay nữ. Mặt hai người này đều đầy những mụn nước, nhìn vào có cảm giác ghê rợn. Tôi nói tiếp:

“Bệnh nhân thứ nhất: Nguyễn Duy Nam – 24 tuổi, nam, dân tộc Kinh, quốc tịch Việt Nam, quê ở Đông Anh – Hà Nội. Anh ta bị bạn bè kì thị và xa lánh khi trên mặt xuất hiện nhiều mụn nước, từ đó không còn tiếp xúc với ai nữa. Theo tìm hiểu, Nguyễn Duy Nam bị bệnh trầm cảm nghiêm trọng.”

“Bệnh nhân thứ hai: Dương Văn Nguyên – 47 tuổi, nam, dân tộc Kinh, quốc tịch Việt Nam, quê ở Mỹ Đức – Hà Nội. Theo chúng tôi điều tra, đây là chú ruột của Dương Hương Anh.” – Sau khi uống một ngụm nước, tôi nói.

Tôi bật đèn trong phòng lên, mọi người đều đang tập trung suy nghĩ vụ án. Tiến báo cáo:

“Theo lời khai của Dương Hương Anh, cô ta tuy không có chứng cứ ngoại phạm nhưng cũng không có bất cứ động cơ gây án nào. Tình cảm giữa bà của Hoàng Minh Phương với Dương Hương Anh vô cùng tốt, bé gái cũng rất yêu quý cô ta.”

Đến giờ chỉ có thể điều tra hai bệnh nhân Herpes kia thôi! Tôi thật sự rất muốn biết kẻ đã giết chết tên buôn bán trẻ em và bắn chết Thanh là ai.

Hơn mười giờ trưa, Hương Anh được thả ra ngoài. Đôi mắt cô ấy có quầng thâm, có lẽ không quen chỗ này. Ừ thì có ai thích nghi được với môi trường giam giữ nghi phạm đâu? Chỗ đó tuy không có những thứ mùi kinh tởm như nhà giam chính thức, nhưng cũng hoàn toàn không dễ chịu.

Một ngày làm việc lại trôi qua.

“Anh Hiên, tối nay đi uống chút không? Hôm nay sinh nhật anh mà.” - Tiến hỏi tôi.

“Không phải sáng nay tổ chức rồi sao?”

“Sáng nay là ý của anh Mạnh, cũng vì vợ anh ấy đi công tác, mai mới về nên anh ấy phải trông con buổi đêm.” - Tiến nói.

“Để tối mai đông vui thì uống đi.” – Tôi cũng muốn có một buổi tối của tình đồng đội, nhưng vắng anh Mạnh thì không còn vui nữa.

“Anh hứa rồi nhé!”

“Ừ.”

***

Tôi lái chiếc xe đen về nhà, để xe ở bãi đỗ xe gần khu nhà rồi lên tầng. Một chiếc hộp quà màu hồng đặt trước cửa nhà tôi, bên trên có một chiếc nơ màu đỏ. Tôi mở cửa phòng rồi mang vào trong.

Sau khi tắm rửa sạch sẽ và tự pha cho mình một ly cà phê đen, tôi ngồi ở ghế sô-pha xem báo tuổi chiều. Tôi lại nhìn chiếc hộp, vì có chút tò mò nên mở ra xem. Lớp giấy hồng được bóc ra, bên trong có một chiếc bánh kem cùng một tờ giấy màu xanh nhạt.

“Anh Hiên, đến giờ em mới biết tên của anh, anh cho em gọi một tiếng “anh”, được không? Khi sắp ra khỏi sở cảnh sát, em nghe đồng nghiệp của anh nói hôm nay là sinh nhật anh, vì thế anh hãy vui vẻ nhận hộp quà này. Lần đó anh đã cứu em thoát khỏi một tên cầm thú mà em đã từng yêu, em cảm ơn anh rất nhiều. Chiếc bánh này coi như một lời cảm ơn chân thành của em. Khi em gặp khó khăn về tiền chữa bệnh cho ngoại, anh đã giúp đỡ em mở lời. Em cứ nghĩ anh luôn lạnh nhạt với người xung quanh, thì ra không phải như vậy. Anh là một cảnh sát tốt, em chúc anh sẽ tìm ra những kẻ giết người tàn ác, đòi lại công bằng cho xã hội. Và nếu có thể, tối nay anh hãy đến chỗ chiếc ghế đá gần cây phượng vĩ, em có chuyện muốn nói với anh. Chúc anh sinh nhật vui vẻ!”

Tôi mỉm cười nhìn chiếc bánh, lòng không khỏi dâng lên chút ấm áp, nhưng rồi nụ cười ấy lại tắt lịm đi. Một cảnh sát tốt? Tôi xứng sao?