Giáo viên trường cấp 3 công lập ít khi theo chế độ hợp đồng, rất nhiều giáo viên đều tham gia cuộc thi do Bộ Giáo dục tổ chức, cạnh tranh cực kỳ khốc liệt.
Giang Ngôn Nhất có bằng hành nghề giáo viên, nhưng không phải chuyên ngành sư phạm, chỉ có thể làm giáo viên hợp đồng.
Trên mạng có không ít video ngắn nói giáo viên thể dục “xin nghỉ”, “bị bệnh”, không thể đi dạy, nhưng tình huống thực tế không khoa trương như vậy. Giang Ngôn Nhất rất ít khi thấy giáo viên chủ nhiệm báo ông “bị bệnh”, “xin nghỉ.”
Ông có thể lấy thân phận giáo viên hợp đồng dạy ở trường Nhất Trung, ngoài việc có ông ngoại Giang Vọng Hạ hỗ trợ móc nối, còn có một nguyên nhân quan trọng. Ông từng là vận động viên điền kinh của đội tuyển quốc gia, đội tuyển tỉnh. Trường Nhất Trung thành phố A có học sinh thể dục, ông không chỉ là giáo viên thể dục mà còn là huấn luyện viên. Ông không chỉ dạy thể dục cho học sinh, mà còn đưa học sinh đi tham gia thi đấu.
Những giáo viên khác sẽ có kỳ nghỉ đông và nghỉ hè, nhưng ông không nhất định sẽ có. Một số cuộc thi chỉ tiến hành trong kỳ nghỉ đông và nghỉ hè, mà cho dù không có cuộc thi, ông cũng thường xuyên phải chú ý học sinh tập luyện.
Giang Ngôn Nhất không có nhiều thời gian làm bạn với con gái.
Có đôi khi quá bận rộn, không thể không dẫn Giang Vọng Hạ đến chỗ ông ngoại, nhờ ông cụ chăm sóc bé.
Ông ngoại sẽ không từ chối.
Dù sao cũng là đứa bé của con gái cụ, trong cơ thể chảy dòng máu của cụ.
Trẻ nhỏ nhạy cảm, vốn dĩ Giang Vọng Hạ đã thông minh, qua nhà ông ngoại hai lần, thấy ông ngoại thật sự không thích bé, liền không muốn qua đó nữa.
Lần thứ ba, Giang Ngôn Nhất dẫn đội đi tỉnh tham gia thi đấu, chuẩn bị đưa con gái đến nhà ông ngoại ở vài ngày.
Vẻ mặt Giang Vọng Hạ bình tĩnh nói: “Ba, ông ngoại không thích con.”
Giang Ngôn Nhất nhìn con gái 7 tuổi, cười nói dối thiện ý: “Ông ngoại con không giỏi ăn nói, nếu mà quá chán, con có thể chơi với anh họ chị họ.”
Thật ra ông biết, ông cụ không thích cháu gái ngoại.
Nhưng ông không có cách nào dẫn bé đi tham gia thi đấu, để đứa nhỏ 7 tuổi ở nhà một mình cũng không an toàn, mời người đến chăm sóc thì lại lo lắng người ta không đáng tin, chỉ có thể đề ra ý kiến này.
Giang Vọng Hạ nghiêm túc nói: “Con có thể ở nhà một mình.”
Trước kia ba ra ngoài, bé cũng ở nhà một mình, bé biết tự đi mua cơm, sẽ không mở cửa cho người lạ.
Trước đây có thể và bây giờ cũng có thể.
Bé không sợ tối, không sợ ma, cho dù có ở nhà một mình cũng không sợ.
Giang Ngôn Nhất: “Con ở nhà một mình không an toàn, lỡ như xảy ra chuyện gì ngoài ý muốn thì sao?”
Giang Vọng Hạ trả lời: “Gặp chuyện thì gọi 110.”
Giang Ngôn Nhất: “… Không thể tùy tiện chiếm dụng tài nguyên công cộng. Chú cảnh sát bề bộn nhiều việc, không thể vì một chút chuyện nhỏ mà gọi 110.”
Giang Vọng Hạ lý lẽ hùng hồn: “Nếu không cần gọi 110, thì có thể gặp chuyện nguy hiểm gì chứ?”
Giang Ngôn Nhất hơi không hiểu tư duy logic của trẻ con, quyết định từ bỏ việc giảng đạo lý cho bé, tính đưa con gái qua cho nhà ông ngoại chăm sóc.
Trước kia không có cách nào, đành phải để bé ở nhà.
Nhưng khi đó ông chỉ ra ngoài nhiều nhất một ngày, bây giờ ít cũng phải đi một tuần, dài thì một tháng, không giống nhau.
Giang Vọng Hạ thật sự không muốn đến nhà ông ngoại, đột nhiên sắc mặt bé nghiêm túc, mặt viết đầy chữ không vui: “Hay là vậy đi, ba, ba đưa con đến nhà cô giáo Nguyễn, con chơi với Lương Thi Tình.”
Cô giáo Nguyễn là mẹ của Lương Thi Tình, đồng thời là đồng nghiệp của Giang Ngôn Nhất, hai đứa nhỏ là bạn cùng lớp, quan hệ không tệ.
Có khi cô giáo Nguyễn tới đón Lương Thi Tình tan học, thấy Giang Vọng Hạ ngồi lẻ loi một mình chờ ba tới đón thì sẽ đưa bé đến trường Nhất Trung thành phố A giao cho Giang Ngôn Nhất, sau đó đưa con gái về nhà.
Bạn đang đọc bản chuyển ngữ thuộc về allinvn.net
Thỉnh thoảng, cô giáo Nguyễn thấy Giang Ngôn Nhất bận huấn luyện học sinh, bèn xin phép dẫn Giang Vọng Hạ đến nhà ăn cơm tối. Sau đó cho bé làm bài tập chung với Lương Thi Tình, đợi bé làm bài tập xong sẽ gọi Giang Ngôn Nhất đến đón bé về.
Giang Ngôn Nhất cho rằng họ gây phiền phức cho cô giáo Nguyễn, cô giáo Nguyễn lại nói: "Không phiền, Tiểu Hạ là đứa trẻ khiến người ta bớt lo."
Trong mắt bà ấy, Tiểu Hạ không ầm ĩ không nghịch ngợm, bài tập làm rất nhanh, còn không cần phụ đạo, thậm chí còn có thể giảng bài cho Lương Thi Tình, xứng danh “con nhà người ta.”
Giang Ngôn Nhất không muốn làm phiền người khác, sợ nợ ân tình.
Giang Vọng Hạ là trẻ con, không quan tâm nhiều thứ như vậy, dứt khoát dùng điện thoại trên đồng hồ gọi cho Lương Thi Tình: “Thi Tình, tớ có thể qua nhà cậu vài ngày, chơi với cậu, được không?”
Lương Thi Tình không hề nghĩ ngợi đã nói “được” rồi chạy qua hỏi ba mẹ, sau khi được đáp lại liền nói với Giang Vọng Hạ: “Ba mẹ tớ cũng nói có thể.”
Giang Ngôn Nhất còn chưa kịp cản lại, hai đứa trẻ đã vui vẻ tự quyết định.
Nhìn thấy con gái đắc ý khiêu khích nhìn mình, trong lòng ông thở dài, cam chịu chấp nhận sự thật, chuẩn bị đưa con gái đến nhà cô giáo Nguyễn.
Trên đường đi, người cha già dặn dò con gái: “Tiểu Hạ, đến nhà người khác không được tùy tiện chạm vào đồ của người ta, lấy đồ của người ta. Không được người lớn cho phép thì không được tự ý ăn uống, ăn đồ ăn vặt của người khác.”
Giang Vọng Hạ “dạ dạ” gật đầu, thầm nghĩ: Chắc chắn mình sẽ không tùy tiện động vào đồ của người khác, mình là một đứa trẻ lịch sự thế này mà.
Giang Ngôn Nhất: “Điều quan trọng nhất, không được bắt nạt người khác, không được cãi nhau với người khác, không được đánh nhau, biết chưa?”
Giang Vọng Hạ gật đầu, đến “dạ” cũng lười nói.
Nếu như “người khác” mà ba nói là Lương Thi Tình, nhất định bé sẽ không, hai bé chính là bạn tốt.
Nhưng mà, nếu là người khác, dám bắt nạt bé, dám bắt nạt Lương Thi Tình, bé không chỉ sẽ nhào tới đánh nhau với đối phương, đánh xong còn có thể tiện chân đạp thêm hai phát nữa.
Bé cũng không ngốc, sao có thể không đánh trả, chịu bị người khác bắt nạt?
…
Giang Ngôn Nhất mua hai thùng sữa và rất nhiều trái cây, khách sáo cảm ơn cô giáo Nguyễn rất nhiều lần, sau đó dặn đi dặn lại con gái, gần như là lặp lại toàn bộ lời vừa nói trên đường.
Giang Vọng Hạ tỏ vẻ mình đã hiểu, Giang Ngôn Nhất mới lo lắng rời đi.
Cô giáo Nguyễn gọt trái cây cho hai bé, bưng tới, để hai bé vừa xem hoạt hình vừa ăn.
Giang Vọng Hạ không thích xem phim hoạt hình như những đứa trẻ cùng tuổi. Trước đây Lương Thi Tình hay ríu ra ríu rít nói chuyện với bé, một người thích nói, một người nguyện ý nghe, ngược lại không quá nhàm chán.
Hiện tại, bạn nhỏ Lương Thi Tình hai mắt trừng trừng xem phim hoạt hình, Giang Vọng Hạ cảm thấy phim hoạt hình này hơi nhạt nhẽo, có phần nhàm chán.
Ánh mắt Giang Vọng Hạ ngó tới ngó lui, thấy chú Lương bày bàn cờ đen trắng ở bên cạnh, hơi tò mò.
Bé tiến sát bên tai Lương Thi Tình, nhỏ giọng hỏi: “Thi Tình, ba cậu đang chơi cờ một mình sao?”
Trong lúc nói chuyện, ánh mắt bé lặng lẽ nhìn chằm chằm những quân cờ kia.
Lương Thi Tình đắm chìm trong hoạt hình chậm chạp gật đầu, qua vài giây mới chuyển chút chú ý ra khỏi phim hoạt hình thú vị, sau đó dùng âm lượng nhỏ tương tự trả lời: “Ba tớ thích chơi cờ, ba hay tự chơi cờ một mình.”
Trẻ con chính là thích thì thầm như vậy.
Lương Thi Tình nói với Giang Vọng Hạ, nhưng hai mắt vẫn nhìn chằm chằm vào màn hình TV.
Đối với trẻ con mà nói, sức hấp dẫn của phim hoạt hình thật sự quá lớn.
Nửa tiếng sau, phim hoạt hình kết thúc.
Lương Thi Tình lưu luyến tắt TV, chuẩn bị đi chơi cùng Giang Vọng Hạ, có nhớ lúc nãy Giang Vọng Hạ nói chuyện với bé, nhưng lại quên mất bạn nói gì.
Bé hơi buồn rầu, nhưng ngại hỏi Tiểu Hạ, sợ vừa nãy mình không để ý tới bạn sẽ khiến bạn mất hứng.
Bé cố gắng nhớ lại, hình như là nhắc tới “chơi cờ”?
Bạn đang đọc bản chuyển ngữ thuộc về allinvn.net
Tuy rằng còn chưa nhớ ra Tiểu Hạ nói những gì, nhưng bạn nhỏ Lương Thi Tình thông minh đã nhanh chóng ngộ ra, vội vã kéo tay Giang Vọng Hạ, chạy lại chỗ ba.
Bé ngẩng đầu lên, vô cùng vui vẻ nhìn ba, nói: “Ba, Tiểu Hạ nói muốn học chơi cờ!”
Tiểu Hạ vừa rồi có nhắc tới “chơi cờ”, không cần nghĩ nữa, nhất định là bạn muốn học chơi cờ!
Đúng đúng, chắc chắn là như thế!
Bạn nhỏ Lương Thi Tình cảm thấy vô cùng tự hào về sự thông minh lanh lợi của mình.
Giang Vọng Hạ không hề nói muốn chơi cờ:???
…
Một tuần trôi qua, Giang Ngôn Nhất đi công tác về, ông chu đáo mang theo quà cảm ơn đến đón con gái về.
Trên đường về nhà, ông hỏi con gái mấy ngày nay ở nhà cô giáo Nguyễn thế nào, có cãi nhau với bạn nhỏ nào không.
Giang Vọng Hạ hỏi gì đáp nấy.
Thế nhưng, Giang Ngôn Nhất cảm thấy con gái có chút không giống với bình thường, giọng nói hơi lãnh đạm, nghĩ thầm bé ở chung với cô giáo Nguyễn rất tốt, cô giáo còn thích Tiểu Hạ như thế, có lẽ sẽ không xảy ra chuyện gì không vui.
Ông vẫn đang suy nghĩ lý do con gái không vui.
Đột nhiên tay bị nắm lắc lư vài cái, Giang Ngôn Nhất hoàn hồn, quay đầu thì thấy con gái ngẩng đầu nhìn ông, ông lộ ra nụ cười ôn hòa, hỏi: “Tiểu Hạ sao thế?”
Điều ông muốn hỏi là, sao bé lại không vui.
Giang Vọng Hạ không có mất hứng, chỉ là đang suy nghĩ vài chuyện thôi.
Bé nói với giọng chắc chắn và mục tiêu rõ ràng: “Ba ơi, cờ vây rất thú vị, con muốn học cờ vây với chú Lương.”
Giang Ngôn Nhất hơi ngoài ý muốn, không khỏi hơi sửng sốt.
Nhưng ông nhanh chóng bình tĩnh lại, gật đầu với con gái: “Được, ngày mai ba sẽ nói chuyện với ông ngoại con.”
Lần này, Giang Vọng Hạ mất hứng.
Bé xụ mặt nói: “Con muốn học cờ vây, tại sao phải nói với ông ngoại? Chẳng lẽ ông ngoại không cho con học thì con không được học sao?”
Giang Ngôn Nhất trấn an bé: “Không phải, chỉ là nói với ông ngoại một câu, không phải muốn hỏi ý kiến của ông ngoại.”
“Tiểu Hạ muốn học cái gì thì học cái đó, ba sẽ ủng hộ con.”
Nghe được ba đồng ý và ủng hộ, biểu cảm Giang Vọng Hạ dịu đi rất nhiều, tâm trạng cũng tốt lên.
Tối hôm đó, Giang Ngôn Nhất nhận được cuộc gọi ghi chú là “cô giáo Nguyễn”, giọng nói trong loa là một người đàn ông, nói hy vọng ông có thể cho Tiểu Hạ theo ông ấy học cờ vây.
Lương Chính Thu, cờ vây chuyên nghiệp Thất Đẳng (*). Thời gian trước còn dành được quán quân trong cuộc thi đối kháng Trung– Hàn.
Ông ấy nói: “Thiên phú của con bé rất không tồi.”
…
Kỳ Mộ rất để ý đến đứa bé ngày đó, cho nên sai người đi điều tra quan hệ giữa nhà họ Kiều và Kiều Mạn Mạn.
Không phải nhận nuôi, cũng không phải nhận làm con thừa tự (**), mà là giống như vô số gia đình khác, mẹ mang thai vào bệnh viện sinh con, sau đó ôm bé sơ sinh ra khỏi bệnh viện.
Họ quang minh chính đại ra vào bệnh viện như vậy, cho nên không thể nào là mang thai hộ.
Rất thú vị.
Tại sao Kiều Mạn Mạn lại không phải con gái nhà họ?
Kỳ Mộ trầm tư, có phải lúc sinh ra ở bệnh viện, Kiều Mạn Mạn bị ôm nhầm với đứa trẻ khác không?
Đây là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất.
Bệnh viện có quy định không thể tiết lộ thông tin của bệnh nhân, cho nên cậu ta phải dùng chút thủ đoạn không chính đáng mới tìm người tra được bệnh viện nơi Kiều Mạn Mạn sinh ra, cùng với danh sách trẻ sơ sinh sinh ra cùng ngày hôm đó.
Nhìn mấy cái tên trên danh sách, Kỳ Mộ nhíu mày, trên mặt lộ ra vẻ nghiền ngẫm.
Cậu ta cảm thấy đột nhiên mọi chuyện trở nên rất thú vị.
—
(*) Cờ vây Thất Đẳng: Một danh hiệu các kỳ thủ giành được trong thi đấu cờ vây, để đạt danh hiệu cờ vây Thất Đằng cần chiến thắng 120 trận (Viện cờ Nhật Bản). Danh hiệu cờ vây chuyên nghiệp quy định từ Nhất Đẳng đến Cửu Đẳng.
(**) Con thừa tự: Người con mà theo tục lệ cũ được hưởng tài sản của cha ông để lại và lo việc thờ cúng dòng họ, tổ tiên.
Updated 57 Episodes