Nghe nói cậu 'người nhà' quan phủ sau khi trở về đã hết lời khen ngợi tài năng và mưu trí của đồ đệ võ trang Trường Thạch.
Danh tiếng của Trường Thạch Hội, cũng nhờ thế mà được củng cố sau loạt tin đồn không hay về vụ chạm trán với Đại Hùng Tinh Giáo và cả việc Lý tiểu thư gặp nạn lúc đi săn.
Đơn hàng hộ tống nhờ đó mà đột nhiên nhiều hơn trước, khiến các đồ đệ của phủ Lý tất bật ngày đêm.
Nhưng cũng vì vậy mà dường như giáo chủ Đại Hùng Tinh Giáo càng trở nên sốt ruột.
Không lâu sau sự việc hôm ấy, Dạ Thanh nhận được mật lệnh thứ hai từ đỉnh Thiên Đàn, lần này chính là nét bút của Nguyễn Nhật Minh.
Dạ Thanh rùng mình.
Chỉ là nét bút cũng có thể khiến cho kẻ như nàng khiếp sợ, ấy chính là bản lãnh của giáo chủ Đại Hùng Tinh Giáo.
Nàng cẩn thận đọc từng dòng: "Dạ Thanh yêu quý, ta gửi thư này muốn hỏi thăm cuộc sống của con ở Lý phủ.
Đã lâu rồi Dạ Thanh không liên lạc, ta rất sốt ruột mong nhớ..."
Lời lẽ chỉ toàn hỏi thăm khách sáo, nhưng Dạ Thanh biết đằng sau đó là ẩn ý cảnh cáo.
Đã quá lâu nàng không báo cáo gì về đỉnh Thiên Đàn.
Không biết sau lần gặp mặt trước, Vũ Thạnh có truyền lại lời của nàng với Nguyễn Nhật Minh không, hay chỉ tranh thủ ton hót những lời xằng bậy.
Lá thư ngắn gọn có vài dòng, nhưng lời kết đủ khiến nàng phải tái mặt: "Ta dạo này hình như già rồi, sinh ra lo lắng lẩm cẩm.
Dạ Thanh không ở đây, Hoàng Đức cũng bỏ lên rừng hái thuốc khiến ta trong lòng không yên mà mất ăn mất ngủ.
Ta có sai người đi tìm Hoàng Đức về Thiên Đàn, nếu con có biết em đang ở đâu thì bảo em về cho ta yên tâm.
Ta chờ tin hai con."
Đọc tới đâu, người nàng lại run lên tới đó.
Rốt cuộc thì Đại Hùng Tinh Giáo vẫn mang Hoàng Đức ra để gây sức ép cho nàng.
Với thế lực của họ, thì việc tìm ra Hoàng Đức và Lý Diệu Linh rất có thể chỉ là sớm hay muộn.
Nếu như nàng không thể báo cáo được gì về Thiên Đàn, nàng thực sự không biết Hoàng Đức sẽ liên lụy thế nào.
Dạ Thanh run rẩy châm lửa đốt lá thư vừa nhận, quýnh quíu thế nào lại làm phỏng cả đầu ngón tay.
Nàng giật mình, đưa ngón tay lên nắm chặt, cố nén đau.
Nhưng toàn thân vẫn cứ run lên.
Không biết giờ này Hoàng Đức ra sao rồi?
***
Con khướu mào trắng lách chách chuyền qua chuyền lại.
Có lúc lại ưỡn ngực đi lại trên bờ rào, ánh mắt nó nhìn đăm đăm xuống vườn rau bên dưới, dáng vẻ như đang giám sát ai đó.
Mà cũng có thể nó đang giám sát cô gái đang nhoài người nhổ cỏ, bắt sâu, tưới nước dưới đó thật.
Trời đã ngả về trưa, ánh nắng gay gắt chiếu trên đầu, trên cổ, trên lưng, như muốn thiêu đốt cơ thể.
Diệu Linh ngồi tựa vào một gốc cây roi trong vườn nghỉ lấy hơi.
Đưa tay quệt mồ hôi trên trán, nàng ngước mắt nhìn làn khói trắng đang tỏa ra từ chái bếp nhỏ ở góc đối diện.
Hẳn là tên Hoàng Đức đó vẫn đang hì hụi đun canh nấu thuốc.
Đã hơn hai tháng kể từ ngày nàng bị hắn đưa tới cái nơi khỉ ho cò gáy không một bóng người này.
Quả đúng như hắn nói, đôi chân của nàng chỉ bị liệt tạm thời do chấn động thần kinh, hơn mười ngày sau nàng đã hồi phục và có thể đi lại.
Cũng là lúc hắn bắt đầu bắt nàng làm đủ thứ việc trong nhà.
Không biết với những nữ nhân khác thì thế nào, nhưng với Diệu Linh thì hắn hoàn toàn không phải là kẻ thương hoa tiếc ngọc.
Hắn bắt nàng cuốc đất, trồng rau, bắt nàng cùng hắn đi leo núi hái thuốc, thậm chí chẻ củi.
Dĩ nhiên một tiểu thư được bao bọc trong nhung lụa như nàng, từ nhỏ chưa từng phải tự cài một chiếc khuy áo, không thể biết làm bất cứ việc gì trong những thứ đó.
Nàng động đến đâu hỏng tới đó, nhưng không vì thế mà hắn thôi không bắt nàng làm nữa.
Chân tay nàng đầy vết xước, vết bầm do gai cào, đá vập, mình mẩy thâm tím do trượt ngã, hắn chỉ chế cho nàng các loại thuốc để bôi, để uống cho lành.
Nàng làm đủ thứ trò năn nỉ ỉ ôi, dỗi hờn, tức giận đe dọa thì hắn chỉ im lặng.
Chờ hôm sau hắn lại tìm cách khác khiến nàng phải làm việc.
Khi thì hắn đổi cho nàng một câu hỏi mà hắn lúc nào cũng chỉ trả lời nước đôi, khi lại đem đồ ăn ngon ra để dụ dỗ.
Hắn bắt nàng làm mọi thứ trong nhà, chỉ trừ nấu nướng.
Có lẽ bởi vì hắn đủ đa nghi để không giao đồ ăn thức uống vào tay nàng.
Nhưng hắn nấu ăn rất ngon, nàng cũng chẳng có lời gì để phàn nàn.
Ngoài những lúc ngồi ăn, hắn gần như không nói chuyện với nàng bao giờ.
Cả ngày hắn chỉ chúi mũi vào nghiên cứu đủ thứ thảo dược.
Lúc nào hắn cũng hí húi cắt, phơi, tán, sao, đun, rồi ghi ghi chép chép, gần như chẳng lúc nào ngơi nghỉ.
Đôi lúc nàng hỏi hắn về việc tìm hiểu thân thế của nàng và cô gái giống nàng mà hắn vẫn luôn kính cẩn gọi một tiếng "chị", hắn chỉ nói người quen của hắn đang điều tra nhưng chưa tìm được thêm manh mối.
Nàng cũng từng nghĩ tới việc trốn khỏi nơi này, nhưng bước ra ngoài là rừng thiêng nước độc, chẳng có lấy dấu của một lối mòn.
Mỗi lần đi hái thuốc với hắn, chỉ ra khỏi nhà chừng vài thước đã có thể bị rắn rết tấn công, chưa nói tới beo tha cọp vồ.
Có lẽ việc hắn không trông coi nàng kĩ càng là vì cũng biết rằng có thả ra nàng cũng chẳng biết phải đi về đâu.
Rốt cuộc thì nàng vẫn bế tắc, phải ở lại đây giữa chốn núi rừng hoang vu không một bóng người, ngày ngày gánh nước, nhổ cỏ.
Diệu Linh thở hắt ra một tiếng, liếc nhìn con khướu mào đáng ghét cả ngày không rời nàng lấy một bước.
Cứ như thể nó được chủ nhân nó huấn luyện để canh chừng nàng.
Trong khi nàng nai lưng ra làm việc, thì nó cứ nhởn nhơ lượn lờ qua lại, thỉnh thoảng mổ lách chách mấy hạt bí Hoàng Đức vứt cho, rồi có lúc lại giang cánh ở đó rỉa lông.
Lúc này thì nó đang nhìn nàng với cái đầu nghênh nghênh và ánh mắt thách thức.
Diệu Linh trợn mắt đe dọa, nhưng con vật thản nhiên phun thẳng một chiếc vỏ hạt bí vào mặt nàng.
Tức mình, nàng múc một gàu nước, hất mạnh về phía nó.
Con khướu láu cá nhảy lên né một cách điệu nghệ, nhưng vẫn lập tức ngoác mỏ tru tréo: "Cứu! Cứu! Cứu con!"
Diệu Linh cuống quýt lao tới định túm lấy nó để bịt miệng, nhưng con vật bay luôn lên nóc nhà mà gào lên từng chặp.
Dĩ nhiên là với âm lượng khủng khiếp như thế thì Hoàng Đức xuất hiện chỉ trong chốc lát.
Hắn đưa tay vuốt ve con khướu, lúc này đã ton tót đậu lên vai hắn, giọng nói dịu dàng ân cần: "Hắc ngoan, có ta ở đây rồi, không sợ ả đàn bà dữ dằn đó bắt nạt nữa đâu."
'Ả đàn bà dữ dằn' lập tức cãi: "Ta bắt nạt nó bao giờ? Là nó chọc tức ta đó chứ?"
"Việc gì mà cô phải đổ tội cho một con vật ngây thơ như thế?" Hoàng Đức đáp.
"Nếu cô có ghen tị với vẻ đẹp của nó, thì cũng không nên hắt nước vào nó như vậy, phải không Hắc ngoan?"
"Là nó phun hạt bí vào mặt ta trước đấy chứ?" Diệu Linh ré lên, không chịu thua.
"Mà sao ta cần phải ghen tị với nhan sắc của một con khướu? Bản thân ta còn chưa đủ xinh đẹp hay sao?"
Hoàng Đức liếc nhìn nàng hồi lâu, cười khẩy: "Lẽ ra nhan sắc đó cũng xứng với hai chữ khuynh thành, nhưng thần thái chẳng phải quá tầm thường rồi sao?"
"Cái gì?" Diệu Linh lập tức phản bác: "Ngươi nói ai thần thái tầm thường? Trong thiên hạ này, ngươi liệu kiếm đâu ra người có nhan sắc và thần thái hơn ta có chứ? Giống như ta còn khó..."
Nói tới đây thì Diệu Linh tự dưng nín bặt.
Kí ức về cô gái có gương mặt giống nàng như đúc nhưng khí khái cao ngạo trong chiếc áo choàng đỏ, và ánh mắt sắc lạnh phản chiếu trong ánh sáng xanh lè hắt lên từ lưỡi kiếm vô tình khiến Diệu Linh thấy gai ốc nổi lên khắp người.
Nàng nuốt nước bọt, hỏi: "Ý ngươi...!đang muốn so sánh ta với cô gái đang thế chỗ của ta à?"
"Cô hiểu ra nhanh đấy," Hoàng Đức đáp.
"Nhưng ta cũng không có ý so sánh làm gì.
Vì cô đâu sánh với chị ấy được."
Lời lẽ hắn chẳng chút nể nang, Diệu Linh cau mày.
Trước giờ với nàng hắn chưa bao giờ tỏ ra đon đả nhiệt tình, nhưng cũng chưa bao giờ nặng lời.
Chỉ là hắn luôn luôn lãnh đạm và ngần ngại, như thể hắn rất chán ghét việc phải tiếp xúc lâu với nàng.
Dĩ nhiên ở tình cảnh của hắn và nàng hiện tại thì chẳng ai lại đi đòi hỏi bằng hữu thân tình, nhưng nàng vẫn luôn lờ mờ nhận ra sự ác cảm trong ánh mắt, cử chỉ, lời nói của hắn mỗi khi nhìn nàng, dù hắn luôn miệng nói những gì hắn đang làm đều là vì cô gái kia, chứ không phải là chủ ý của hắn.
Tới hôm nay thì mới thực hiểu ra.
"Lẽ...!lẽ nào...!anh căm ghét ta...!vì ta mang gương mặt của chị ấy?" Một lát sau nàng mới lên tiếng.
Hoàng Đức nhướn mày nhìn Diệu Linh, ngạc nhiên vì lần đầu tiên thấy nàng ta hiểu được chút ý tứ của hắn mà không cần phải chờ hắn xổ toẹt ra.
Hắn cũng chưa bao giờ tự gọi tên cảm xúc của mình với nàng, nhưng nếu nàng gọi nó là sự "căm ghét" cũng không hẳn là quá sai.
Hắn lớn lên với Dạ Thanh dưới Đại Hùng Tinh Giáo từ nhỏ.
Đối với hắn, Dạ Thanh như một người mẹ, một người chị mà hắn đặc biệt kính trọng, lại cũng như một người bạn tâm giao mà hắn vô cùng trân quý.
Dù hắn biết đó không phải lỗi của Diệu Linh, nhưng chỉ nhìn những cử chỉ điệu bộ lóng ngóng, khờ khạo, những lời nói ngô nghê tới mức ngu ngốc của nàng ta cùng gương mặt như tạc của Dạ Thanh, hắn không khỏi cảm thấy tức giận.
Chính vì thế mà hắn không ngại để nàng phải chịu khổ cực, bắt nàng từ sáng đến tối phải làm lụng vất vả.
Vì chỉ có như thế hắn mới thôi tức giận với sự vô dụng đến mức đáng thương của nàng.
Nhưng Hoàng Đức chẳng hồ đồ mà nói tuột hết ra từng ấy suy nghĩ trong đầu.
Kẻ tính tình trẻ con lại kiêu ngạo như Diệu Linh chắc chắn không chịu đả kích một cách dễ dàng như thế.
Hắn nhìn nàng ta, bật cười: "Gì vậy? Là ta đùa thôi mà? Sao cô lại nghiêm trọng thế? Nếu như cô không thấy vui thì ta xin lỗi, có được không?"
Diệu Linh nhìn hắn, nửa tin nửa ngờ.
Hắn lại xởi lởi nói thêm: "Chà, xem ra ta đã lỡ đùa quá trớn rồi.
Vậy ta đãi cô một bữa ngon được không? Cô vào đây xem món chả trĩ của ta có xứng gọi là 'sơn hào' chưa?"
Lý Diệu Linh vốn là người ngây thơ, lại ưa lời mật ngọt và thích những thứ mới lạ.
Chẳng cần Hoàng Đức phải nói tới lời thứ hai, nàng đã tươi cười trở lại, hào hứng đi theo hắn.
***
Tờ mờ sáng, gà mới gáy canh năm, một bóng người đã hớt hải rảo bước về phía phòng của vợ chồng Lý võ sư.
Người này tướng tá cao lớn, mái đầu cắt sát và gương mặt rám nắng lúc này đang nheo lại đầy âu lo.
Là Phạm Thức.
Hắn vội vã trao đổi với người thị vệ đứng canh, sốt ruột đứng chờ người này vào bẩm báo với Lý võ sư.
Chưa đầy một khắc sau, Lý võ sư xuất hiện.
Hai người rảo bước về phía thư phòng để nói chuyện.
Dạ Thanh giật mình tỉnh ngủ vì sự xuất hiện của Phạm Thức.
Chờ cho hai người đó đi khuất hẳn, nàng mới lặng lẽ bám theo.
Trước tới nay, Dạ Thanh vẫn luôn tìm cách thám thính khắp phủ Lý, nhưng tuyệt nhiên chưa từng dám bén mảng tới gần phòng của Lý Quốc.
Nàng vẫn còn e dè ông ta.
Nhưng lá thư của giáo chủ Đại Hùng Tinh Giáo đã khiến tình hình trở nên cấp bách hơn nhiều.
Vì thế mà vài ngày nay, nàng bắt đầu liều mình theo dõi Lý Quốc vào giờ nửa đêm đến khi trời sáng.
Thường ban ngày Lý Quốc bận rộn việc dạy võ, thao luyện cho các đệ tử, từ tối đến khuya mới là lúc ông ta xử lý công việc làm ăn.
Dạo gần đây, do tiếng tăm của Trường Thạch Hội từ vụ việc với Yển Diên Quán mà công việc ngày càng nhiều.
Lý Quốc phải thức khuya hơn để xử lý.
Phạm Thức cũng vì thế mà được cắt ngắn thời gian chịu phạt để giúp đỡ với công việc trong phủ.
Chưa được phép trở lại phụ trách những chuyến hàng xa, hắn được cử đi giúp kiểm kê hàng hóa cho các lô hàng trước khi lên đường.
Việc hắn hối hả tới tìm Lý võ sư vào ngay trước giờ luyện võ của đệ tử Trường Thạch thế này, hẳn phải vô cùng cấp bách.
Dạ Thanh nín thở, bám theo hai người tới thư phòng của Lý Quốc.
Nhìn quanh không có ai, nàng mới nhẹ nhàng áp sát tai vào tường lắng nghe.
Qua khe hở trên tấm ván gỗ lâu ngày, nàng loáng thoáng nhìn thấy Phạm Thức đưa cho Lý Quốc xem một chiếc bát sứ.
"Bẩm thầy, chiếc bát này nằm trong lô gốm chúng ta nhập từ Minh để bán cho đại gia họ Nguyễn ở phủ Thiên Trường [19].
Kính thầy xem," Phạm Thức kính cẩn cúi đầu.
"Men ngọc xanh ngả vàng, có gờ khắc, trong lòng in dải hoa, bên ngoài tạo hình nổi cánh hoa cúc.
Đáy có sáu chữ 'Đại Minh Chính Đức niên chế' [20].
Nhìn vào chất lượng thủ công tinh xảo, thì đây có lẽ là sản phẩm của lò Tuyền Châu ở Phúc Kiến hoặc Cảnh Đức Trấn ở Giang Tây," Lý Quốc đưa chiếc bát lên ngắm nghía hồi lâu, nhận định.
Rồi ngước mắt nhìn Phạm Thức: "Thức đưa cho ta xem thứ này có việc gì thế?"
"Bẩm thầy, chiếc bát này, nhìn qua thì đúng là rất giống với gốm nhà Minh, có lẽ cũng được cố tình làm cho giống.
Nhưng kì thực lại không phải," Phạm Thức e dè nhìn Lý Quốc.
"Thức nói gì vậy ta chưa hiểu?" Lý Quốc nhíu mày.
"Bẩm thầy, về hình thức, gốm nhà Minh phải có men tràn đế, chiếc bát này dù có phủ men xuống nhiều hơn bình thường, nhưng phần đế sát bên dưới vẫn là đất mộc.
Đây chẳng phải là điểm khác biệt căn bản giữa gốm ta và gốm Tàu hay sao? Chưa kể men ngọc của ta, dù là từ những làng gốm nức tiếng như Chu Đậu hay Đặng Xá, thì chất đất vẫn thô hơn, tiếng gõ không thanh như của gốm Tàu.
Thưa thầy, chiếc bát này...!chắc chắn không thể là gốm nhà Minh được."
Phạm Thức trình bày, Lý Quốc chỉ im lặng lắng nghe.
Nghe xong, ông vẫn tiếp tục im lặng nhìn người đồ đệ thân tín của mình hồi lâu như đang suy tính điều gì.
Một lát sau, ông chậm rãi rót bình trà nóng vừa hãm vào chính chiếc bát gốm men đó, rồi chầm chậm xoay chiếc bát trên tay.
Khói từ bát trà tỏa lên che bớt biểu cảm trên gương mặt ông.
Lý Quốc cất tiếng hỏi, giọng nói gần như không có cảm xúc gì: "Thức này, con ở Lý phủ bao nhiêu lâu rồi nhỉ?"
"Dạ, đội ơn thầy mợ nuôi dưỡng từ nhỏ, Thức đã ở Lý phủ được gần mười ba năm rồi ạ," Phạm Thức vẫn bình tĩnh trả lời, dường như không tỏ ra bất ngờ với câu hỏi không liên quan gì của Lý võ sư.
"Ừ, mười ba năm.
Cũng đủ để hiểu biết nhiều điều rồi," Lý Quốc chầm chậm đưa bát trà trên tay lên miệng, nhấp một ngụm.
"Có phải con đang nghĩ là ta đã già cả lẩm cẩm, chẳng còn phân biệt được thật giả nữa phải không?"
"Thức không dám," Phạm Thức cúi đầu.
"Thức biết thầy là người tinh anh mẫn tiệp.
Hơn nữa, những sai sót trên lô hàng này khá vụng về, người như con còn có thể nhận ra...!thì kinh nghiệm như thầy...!Con nghĩ...!chỉ có thể là..."
"Là sao?"
"Là người thấy...!mà coi như không thấy chăng..." Phạm Thức đáp.
Tới đây thì Lý Quốc phá lên cười, giọng cười văng vẳng trong gian phòng trống trải.
Tiếng cười vừa dứt thì lưỡi kiếm cũng đã kề sát cổ Phạm Thức: "Con biết rõ như vậy rồi, mà vẫn còn cả gan tới đây gặp ta hay sao?".